Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập tới vấn đề sử dụng xe công. Ông hoan nghênh Bộ Tài chính đi đầu trong thí điểm không sử dụng xe công với vị trí một số lãnh đạo. Ông đề nghị được biết kết quả thực hiện việc khoán xe công ở Bộ? Nhiều cử tri cảm động khi biết có Thứ trưởng buổi sáng chờ xe taxi, có người đi nhờ xe con gái. Một Thứ trưởng được khoán chi khoảng 350 triệu đồng một năm. Tuy nhiên theo ông, một Thứ trưởng có thể làm ra gấp 10, gấp trăm lần số tiền này qua sự đóng góp của mình "thì việc khoán xe như vậy có lợi hay không?"
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn liên quan tới giải pháp thu thuế các hình thức kinh doanh mới, bán hàng qua mạng. Việc kiểm soát thuế bằng phương pháp truyền thống qua hoá đơn đã không còn tồn tại. "Phương thức thu thuế trong tương lai sẽ thay đổi thế nào?", ông hỏi.
Ngoài ra ông cũng đề nghị được biết, trong tương lai nếu xảy ra khoản vay về cho vay lại không trả được nợ, đầu tư công không hiệu quả thì trách nhiệm của Bộ Tài chính thế nào?
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) cho biết thuế nhập khẩu ôtô giảm về 0% từ đầu năm 2018 có thể khiến mỗi năm ngân sách thất thu bình quân hơn 4.400 tỷ đồng. Người dân cũng đang có tâm lý chờ đợi giá xe sẽ rẻ khi thuế suất nhập khẩu về 0%. Ông đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết, giải pháp nào để đảm bảo chống thất thu thuế và ổn định thị trường ôtô trong nước, ổn định tâm lý của người dân?
Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng đã có khoảng 30 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Tài chính. Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ có 50 phút để trả lời chất vấn các đại biểu.
Thừa nhận giá dầu giảm, thuế xuất nhập khẩu giảm dẫn đến tỷ lệ huy động cũng giảm theo, nhưng Bộ trưởng Tài chính cho biết các giải pháp tái cơ cấu chính sách thu đã được tính đến.
Ông cũng nêu sẽ tập trung thể chế hóa Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị để đưa ra các chính sách thuế. Bộ cũng rà soát để 5-6 luật được trình ra theo hướng mở rộng cơ sở thu; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, điều chỉnh chính sách phù hợp với định hướng của Chính phủ. Các chính sách này theo ông sẽ tương thích Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được ban hành
Hướng sửa đổi ông Dũng đảm bảo sẽ giữ bản chất từng sắc thuế, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông lấy ví dụ như một số mặt hàng phân bón, máy móc thiết bị, từ đối tượng ko chịu thuế sang đối tượng
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) đặt câu hỏi: Bao giờ thực hiện giảm được thủ tục khai, nộp thuế về mức ngang bằng các nước ASEAN 4? Ngoài ra ông cũng đề nghị cho biết vai trò của Bộ Tài chính trong vay về cho vay lại, hiệu quả sử dụng số vay này.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu vấn đề mới tập trung thanh kiểm tra doanh nghiệp mà bỏ qua các hộ kinh doanh và các hộ không đăng ký kinh doanh nhưng lại thực hiện hành vi kinh doanh như cho thuê tài sản, thuê nhà... Ông đề xuất, Bộ Tài chính tổng thanh tra kiểm tra toàn bộ các hộ này. "Bộ trưởng cho biết có thực hiện được hay không?", ông hỏi.
Ngoài ra ông Nhưỡng cho biết, thực tế đã có hiện tượng sử dụng công nghệ cao - user giả để hoàn thuế rút ruột ngân sách. Đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng xử lý?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi về tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế từ tham nhũng, thông đồng,... ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách. Thực trạng này hiện nay còn phổ biến hay không, cách nào giải quyết?
Ông Cường cũng lo lắng về tình hình Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết giải pháp khắc phục.
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) chất vấn về những đề xuất tham mưu của Bộ Tài chính và kết quả... trong xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án không hiệu quả?
Ông Hòa cũng muốn biết tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam (với con số nợ đọng thuế 73.000 tỷ đồng) đang như thế nào so với các nước trong khu vực? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời khá lúng túng khi cho biết mức này tương đương các nước như Lào, Campuchia và "cao hơn một chút" nếu so với khu vực OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
Đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng hoạt động chuyển giá ngày một tinh vi. "Có cử tri nói có FDI hoạt động vài chục năm nay, mạng lưới phát triển nhưng vẫn báo lỗ. Cử tri muốn biết tình trạng lãi thật, lỗ giả hiện còn không? Đã xử lý được những sai phạm gì", Đại biểu hỏi.
Về nội dung này, Bộ trưởng Tài chính cho biết hiện đầu tư nước ngoài FDI khá lớn, khoảng 300 tỷ USD. "Để chống thất thu, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế với hoạt động chống chuyển giá; kiện toàn bộ máy tổ chức, phát triển nguồn nhân lực quản lý", ông nói.
Theo Bộ trưởng, chống xói mòn cơ sở thuế cũng là một trong những chủ đề được nêu tại Hội nghị bộ trưởng APEC.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh thuận) nêu tình trạng không ít doanh nghiệp lập ra chỉ để mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ thanh toán thuế, rút tiền của Nhà nước, thiệt hại cho ngân sách không nhỏ. Đến tháng 8 số đề nghi hoàn thuế đã lên 17.000 tỷ đồng? Có biện pháp nào đột phá không?
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đặt vấn đề làm sao để không phải nâng mức trần nợ công
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) về chậm giải ngân tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, là do thiếu dự toán bố trí vốn nước ngoài hiện đang thấp. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Quốc hội xin điều chỉnh bố trí vốn nước ngoài cho TP HCM để giải ngân cho dự án này, vượt dự toán nhưng đúng theo cam kết tiến độ. TP HCM đã tạm ứng vốn 1.200 tỷ để trả nợ khối lượng hoàn thành dự án, Khi thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thì Bộ Tài chính sẽ làm việc với nhà tài trợ để trả vốn đối ứng cho thành phố.
Liên quan tới tạm nhập tái xuất, ông thừa nhận rất phức tạp và dễ bị lợi dụng, chủ yếu tạm nhập tái xuất với nước láng giềng nên rất phức tạp. Giải pháp, theo ông, bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện tạm nhập tái xuất theo đúng bản chất, tránh sơ hở; bổ sung xử phạt hành chính theo hướng tăng nặng, như tự ý tiêu thụ hàng tạm nhập tái xuất...
Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), ông Dũng nói, hạn chế xuất khẩu thô nên mức thuế tài nguyên đang đi theo hướng này. Với mặt hàng đá trắng UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời sau.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về nợ đọng, hoàn thuế, Bộ trưởng Tài chính một lần nữa nhắc lại loạt giải pháp, ngoài trách nhiệm Bộ Tài chính thì các Bộ, ngành địa phương cũng phải tiếp tục cải thiện thể chế. Hiện đã có kết nối liên thông giữa cơ quan thuế và cấp phép đầu tư, nhưng thực tế chưa có giải pháp tăng cường sau cấp phép từ phía cơ quan cấp phép đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính khẳng định, ngành tài chính sẽ đẩy mạnh thanh tra kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro để chống nợ đọng thuế. Số lượng thanh tra thuế hằng năm lớn và số kiến thị tăng thu cũng nhiều, như 10 tháng năm 2017 khoảng 13.000 - 14.000 tỷ.
Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về cơ cấu thu ngân sách hiện nay phụ thuộc phần lớn vào ngân sách địa phương, Bộ trưởng Dũng thừa nhận thực tế này.
"Ngay từ đầu năm chúng tôi đã nhìn thấy thực tế này và tập trung giải quyết. Các địa phương nhận trợ cấp Trung ương phải tự đảm bảo nếu hụt thu thì phải dùng nguồn địa phương xử lý, kể cả nguồn dự phòng... Trung ương sẽ không bù cho số này mà tập trung cho địa phương điều tiết về Trung ương. Năm nay cố gắng đảm bảo tổng thể sẽ vượt, tổng thu ngân sách sẽ vượt trên 2,3%", ông nói.
Báo cáo trước Quốc hội thu ngân sách 2017 tăng 27% so với dự án nhưng ngân sách địa phương là chủ yếu. Số thu ngân sách tới 15/10 thu được 995.600 tỷ đồng, tương đương hơn 85,5% dự toán, trong đó ngân sách Trung ương 74,58%, còn địa phương đạt 93,56%. 24 địa phương đạt tiến độ thu, 16 địa phương đã hoàn thành thu, một số địa phương có số thu lớn như Hà Nội, Hải Phòng... vẫn cần tích tực tăng thu.
Giải pháp, Bộ Tài chính sẽ phấn đấu tăng thu thuế xuất nhập khẩu, hoàn thuế thuế VAT, tăng thu địa phương trọng điểm để tăng điều tiết cho Trung ương; tăng khoản thu từ cổ phần hoá DNNN vừa qua mới được 10.000 tỷ đồng.
Trả lời đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), ông Dũng cho hay, trong kế hoạch đầu tư công có 300.000 tỷ đồng từ vay nước ngoài nhưng số ký thêm sau lập kế hoạch mới được 4,1 tỷ. Nếu triển khai số này giải ngân tiếp sẽ vượt 300.000 tỷ. Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch tổng hợp lại. "Tinh thần chung vẫn còn dư địa ODA của giai đoạn 2017 chuyển sang. Luật ngân sách đã cho phép ngân sách địa phương đựơc bội chi nên sẽ chuyển mạnh hướng vay về cho vay lại theo từng mức, từng địa phương", Bộ trưởng Dũng nói. Đơn cử, TP HCM sẽ được vay 90% tổng số thu cân đối. Còn tại Quảng Trị, có gói 5 triệu USD hiện địa phương đang vượt tổng mức vay. Hiện đang tổng hợp để báo sang Bộ Kế hoạch và báo cáo Quốc hội xử lý. "Tổng thể chúng ta giữ tổng mức vay ODA, nhưng có năm có thể trồi lên, tụt xuống", ông Dũng nói thêm.
Phần trả lời của Bộ trưởng Dũng tương đối dài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc còn phần ý kiến đại biểu hỏi về "Bộ Tài chính có giải pháp mới, hiệu quả để chống thất thu, nợ đọng thuế hay không. Nếu không giải pháp mới ngoài việc Chính phủ tổng hợp các khoản nợ thuế, báo cáo Quốc hội xem xét các khoản nợ không thể thu hồi được, thì không cần trả lời".
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng xin phép dừng phần trả lời do không có thêm giải pháp nào.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ |
Giải trình trước Quốc hội tại phiên chất vấn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn và một trong những nhiệm vụ trọng tâm 2016 - 2020. Chúng ta vừa phải đảm bảo phát triển nhanh, bền vững mà phải giải quyết tồn tại nền kinh tế tích tụ nhiều năm. Đây là vấn đề nan giải đặt ra cho toàn hệ thống chính trị. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nghiên cứu trình Trung ương, Quốc hội nới trần nợ công để có thêm vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng an ninh... Chính phủ tính toán kỹ, và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tới cuối năm 2016 vay trả nợ nước ngoài đã vượt quá giới hạn cho phép 25%.
"Chính phủ nói không với tăng xin trần nợ công", ông khẳng định và cho biết, thay vào đó Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính lập đề án giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã có riêng một Nghị quyết về vấn đề này...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định nợ đọng thuế là căn bệnh tất cả tỉnh thành (73.000 nợ đọng). Ông hỏi Bộ trưởng Tài chính làm thế nào nuôi dưỡng nguồn thu bù lại thất thu đó và có giải pháp gì khắc phục một số nguyên nhân nợ đọng thuế?
Đại biểu Phương nêu một số nguyên nhân như cấp phép dễ dãi nên khi thua lỗ thì lại đi thành lập doanh nghiệp khác. Ngoài ra, ngành thuế vẫn có một số cá nhân tiêu cực, tiếp tay, thiếu công khai nên nhiều doanh nghiệp chây ì. Chưa kể, sự thay đổi chính sách thuế cũng làm doanh nghiệp khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn về cơ sở Bộ Tài chính xây dựng khung giá tài nguyên thuế cao đột biến với các loại đá hoa trắng, đá trắng. Ông cho biết, Thông tư 44 Bộ Tài chính ban hành đẩy khung giá tài nguyên tăng 300-320% so với hiện hành. "Nếu xảy ra thì hậu quả chắc chắn là các doanh nghiệp này phá sản, phát sinh hàng trăm nghìn tỷ nợ xấu cho ngân hàng. Hiện các bên đã có công văn kêu cứu, khi nào Bộ giải quyết việc này", đại biểu nói.
Vị đại biểu của tỉnh Nghệ An cũng tiếp lời Đại biểu Phương (Quảng Bình) khi yêu cầu Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục nợ đọng. "Bộ trưởng có giải pháp gì mới, có tính chất đột phá không, nếu không, không trả lời cũng được", đại biểu khẳng định.
Ngoài ra, ông cũng muốn Bộ trưởng Tài chính nêu giải pháp để cơ cấu lại nợ khi nợ Chính phủ vẫn chiếm 51,8%.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) tranh luận về an toàn nợ công khi cho rằng dù Bộ trưởng trả lời nhưng "vẫn chưa rõ". Nguyên nhân chưa đề cập tới là do phân bổ vốn, giải ngân chậm một số dự án trọng điểm, đơn cử tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên và nước sạch TP HCM. Bà Thuỷ đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư giải trình, làm rõ thêm.
Với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, bà Thuỷ đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao người dân "quên" lấy hoá đơn VAT khi mua hàng hộ kinh doanh cá thể. Người bán hàng yêu cầu phải trả thêm 10% thuế VAT có hợp lý?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng tranh luận về nợ công, ODA. Ông Hàm băn khoăn trước phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Theo ông, hiện nay nợ công tăng cao, nhiều năm ngân sách trung ương không có số dư trả nợ. Tổng mức ODA đang ngoài tầm kiểm soát. "Để có số nợ vay ODA quốc gia cần bao nhiêu thời gian trả nợ. Có giữ được trần nợ công không?", ông đặt câu hỏi.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) tranh luận về chống buôn lậu của ngành hải quan. Về mặt hàng tạm nhập tái xuất chỉ là "vỏ bọc" nhưng thực chất là buôn lậu. Khi hàng này thông quan biên giới, các nước không cho qua và quay lại trong nước. Đề nghị Bộ trưởng, thanh tra Bộ Tài chính đã bắt giữ bao nhiêu vụ và giải pháp nào chấm dứt tình trạng trên?
Ông Nghĩa đặt vấn đề về chống thất thu thuế trước các loại hình kinh doanh mới. Ông cho rằng, dù Bộ trưởng Tài chính báo cáo bức tranh thuế tốt, nhưng thất thu thuế những khu đất vàng, kinh doanh qua mạng Facebook, Uber, Grab... đang diễn ra, khiến thất thu thuế lớn, có lĩnh vực không thu được đồng nào. "Giải pháp chống thất thu thuế những loại hình kinh doanh mới là gì?", ông hỏi.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chưa hài lòng về phần trả lời, trấn an nợ công đã an toàn của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư. Dẫn lại báo cáo của Chính phủ thừa nhận tồn tại trong đầu tư công. "Không phải thiếu luật mà chúng ta thực hiện luật chưa nghiêm. Tồn tại này trong năm 2017 vẫn chưa được khắc phục, thì tới năm 2021 sẽ càng nghiêm trọng hơn. Tôi mong các Bộ trưởng xác định rõ trách nhiệm để thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề", ông nói.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đồng tình với việc chuyển đổi từ vay nước ngoài sang trong nước. Nhưng theo bà, vay trong nước hay nước ngoài đều là vay và đều kèm theo trả nợ gốc và lãi. "Như vậy cốt lõi vẫn là hiệu quả đầu tư", đại biểu này nhấn mạnh.
Qua giám sát, Đại biểu Mai Bộ cho biết có dự án vay vốn nước ngoài để đầu tư lò mổ tập trung ở địa phương nhưng không hoạt động mà vẫn vay. "Dây chuyền sắt gỉ, mạng nhện bâu đầy. Dự án mới là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 nữa. Bộ trưởng có biết tình hình hiệu quả đầu tư cho nhóm vay này đang không hiệu quả không? Nếu biết sẽ như thế nào", Đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trả lời về đầu tư công
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây khi chưa có Luật đầu tư công, việc quyết định các dự án còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách. Khi đó, mỗi giai đoạn có khoảng hơn 20.000 dự án quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu, khả năng bao nhiêu giải ngân được nên việc dàn trải, thất thoát, dừng, giãn hoãn rất lớn.
Trong giai đoạn 2016-2020 còn hơn 1.000 dự án nữa, giảm đi rất nhiều so với trước đây, bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho biết nợ đọng và ứng của các giai đoạn trước đã được tập trung để xử lý dứt điểm. Ông cũng nêu thực tế các dự án phê duyệt có tổng mức đầu tư không sát với tình hình thực tế. "Chính phủ vừa giao Bộ xây dựng, bộ ngành liên quan xây dựng định mức tính toán khi phê duyệt quyết định đầu tư hợp lý", ông nói.
Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn về việc hải quan chậm cho nhập 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư khiến lô thuốc này phải tiêu huỷ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kiểm tra lô hàng này hạn sử dụng không còn đủ 12 tháng, theo quy định phải có xác nhận của cơ quan chuyên ngành. Ngày 6/8/2014 sau khi có ý kiến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, công ty đã làm việc với hải quan và hải quan đã thông quan ngay trong ngày. "Việc chậm trễ là do chậm kiểm tra chuyên ngành", ông Dũng nói.
Trước đó hồi tháng 5/2017, Thanh tra TP HCM công bố gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015. Bệnh viện giải thích thuốc Tasigna lần đầu nhập về Việt Nam nên thủ tục kéo dài hơn một năm, thuốc về kho chỉ còn hạn dùng 10 tháng. Ngoài ra, bệnh nhân phải đồng chi trả 4% trong một năm, tức 42 triệu đồng nên chỉ 26 người đủ khả năng mua thay vì dự kiến 50.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới vốn vay nước ngoài, ông Dũng cho hay, vừa qua đã cơ cấu lại nguồn vay và chuyển từ vay nước ngoài sang vay trong nước, để giảm vay nước ngoài. Năm 2011 vay nước ngoài 60%, trong nước 40%; hiện nay vay trong nước 60%, nước ngoài trên 39%. Kỳ hạn vay trong nước tăng hơn 2 lần, lãi suất giảm một nửa.
Trả lời đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) về nợ phạt doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, số nợ này rất lớn, hơn 18.000 tỷ. Vừa qua Bộ Tài chính cố gắng động viên doanh nghiệp nộp gốc. Về số nợ phạt theo quy định 0,03% một ngày, nên số nợ đọng cứ nhân lên. Hiện Bộ Tài chính đang báo cáo, rà soát lại chỗ này.
Về thuế giá trị gia tăng, ông Dũng thừa nhận qua kiểm tra đã phát hiện loạt doanh nghiệp làm giả hoá đơn. Tới đây Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh triển khai hoá đơn điện tử, sẽ từng bước giải quyết được vấn đề gian lận hoá đơn.
Phiên chất vấn các Bộ trưởng chính thức khai mạc vào sáng nay 16/11.
Ngay sau khi nghe Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn với phần đăng đàn đầu tiên của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Người đứng đầu ngành tài chính sẽ trả lời về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá) cũng như các vấn đề của hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, hiệu quả. Đây không phải lần đầu tiên ông Đinh Tiến Dũng đăng đàn tại Quốc hội về các vấn đề này. Tuy nhiên, trong sáng nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng còn phải giải trình trước Quôc hội về câu chuyện nợ công với những giải pháp tăng cường quản lý an toàn, hiệu quả.
Theo lịch, Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn tới giữa phiên làm việc chiều ngày 16/11, trước khi nhường diễn đàn cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.
Theo đó, Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ giải đáp các vấn đề về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Đồng thời, hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cũng là nội dung trọng tâm của phiên chất vấn này.
Nguồn tin: kinhdoanh.vnexpress.net
Những tin mới hơn